Thiền định và sức mạnh của thì Hiện tại

You are too concerned with what was and what will be. There is a saying: yesterday is history, tomorrow is a mystery, but today is a gift. That is why it’s called the present.

Master Oogway – Kung fu Panda

Kung Fu Panda là bộ phim hoạt hình kể về hành trình tập Kung Fu của gấu trúc Po. Khi Po mất niềm tin vào bản thân, sư phụ Oogway đã nói: “Con quá lo lắng về những gì đã qua và những thứ còn chưa xảy đến. Hãy nhớ rằng: Ngày hôm qua là chuyện xưa. Ngày mai thì chưa tới. Nhưng hôm nay là món quà. Đó là lý do nó được gọi là the present “. Đây cũng là thông điệp bài viết mình muốn truyền tải: Hãy sống cho hiện tại.

img_0

Tại sao tập trung vào hiện tại lại có sức mạnh đến vậy?

1. Thì Hiện tại giúp bạn giảm lo lắng.

Theo một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học tại Harvard: Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert, chúng ta dùng 50% thời gian của mình để tâm trí đi lang thang. Trong số đó, ta sẽ dùng 43% thời gian để nghĩ về những chuyện khiến ta vui vẻ, 31% nghĩ về những chủ đề trung lập – không vui cũng chẳng buồn, và 26% nghĩ về những trải nghiệm đau khổ.

Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra, con người sẽ buồn bã hơn khi nghĩ về những chủ đề trung lập và đau khổ, và tưởng tượng ra những khoảnh khắc vui vẻ cũng chẳng hạnh phúc hơn việc ta tập trung vào những gì mình đang làm ở hiện tại. Nói một cách khác, khi không ở thì hiện tại, mọi suy nghĩ đều dẫn đến sự đau khổ.

Nếu bạn dành thời gian để hối hận về quá khứ hoặc lo nghĩ về những viễn cảnh xấu có thể xảy ra, hoặc giận dữ, căm ghét một ai đó, bạn sẽ nảy sinh nhiều cảm xúc tiêu cực. Khi bạn tập trung vào hiện tại, thì cho dù đang làm những việc bạn không thích, bạn cũng sẽ vui vẻ hơn.

2. Bạn sẽ hành động giống robot đã được lập trình nếu không ở Hiện tại.

Phần lớn thời gian, chúng ta thường hành động theo thói quen. Ta thích nghĩ rằng mình có thể kiểm soát mọi thứ, những quyết định của ta được tạo ra bởi vì bản thân ta muốn thế. Nhưng thực tế, bộ não chúng ta sẽ điều khiển hành vi dựa trên những trải nghiệm ta từng gặp trong quá khứ. Nó không thích phí năng lượng vào việc suy nghĩ cho lắm, vậy nên nếu bạn đã từng gặp tình huống này rồi, bộ não sẽ đưa ra cách giải quyết tương tự giải pháp bạn từng làm, bất kể giải pháp đó có tối ưu hay không. Đó là lý do cuộc sống của bạn giống như một vòng lặp chẳng bao giờ thay đổi. Hiện tại của bạn lúc này chỉ là bản sao của quá khứ mà thôi.

Hơn nữa, khi ở trong một tập thể, chúng ta có xu hướng cư xử giống những người xung quanh. Ta ăn những thứ đồng nghiệp ta order buổi trưa, uống cốc trà sữa bạn bè rủ vào buổi chiều, ta suy nghĩ và nói năng giống những người mà ta tiếp xúc. Chính vì thế, nếu không tỉnh táo để nhận biết bản thân thật sự muốn gì và cần gì, sẽ có lúc ta giật mình tự hỏi “Mình là ai?”.

3. Trở về Hiện tại giúp bạn nhận ra cuộc sống như nó vốn là.

Đừng tin những gì bộ não nói với bạn. Trong một nghiên cứu từ trường Đại học Dartmouth, những người thí nghiệm sẽ vẽ một chiếc sẹo giả trên mặt và được yêu cầu đi nói chuyện với người khác. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi phòng, nhà nghiên cứu gọi họ lại, nói với họ rằng ông muốn chỉnh lại vết sẹo và bí mật xóa vết sẹo đi.

Sau khi kết thúc buổi thí nghiệm, những người tham gia thí nghiệm trở về và nói rằng người khác không muốn nhìn vào mặt họ, tránh né họ, cuộc nói chuyện diễn ra trong không khí xấu hổ và ngượng ngập…Tuy nhiên trên thực tế, khuôn mặt của họ bình thường và chẳng có vết sẹo nào cả.

Khi bị ám thị, bộ não bạn sẽ tưởng tượng ra đủ câu chuyện trong đầu và khiến bạn tin vào nó. Chúng ta nhìn thế giới dưới lăng kính chủ quan của bản thân. Giống câu hỏi cái váy có màu trắng vàng hay xanh đen – những gì bạn thấy chưa chắc đã giống thứ người khác thấy, và thứ bạn thấy chưa chắc là sự thật.

Trở về với Hiện tại, bạn sẽ upgrade được lăng kính của mình, biến video về cuộc sống của bạn từ chế độ SD sang HD. Bạn nhìn đời và tất cả mọi thứ theo đúng bản chất của nó.

Thiền định – phương pháp hiệu quả đưa bạn về với Hiện tại.

img_1

Trên thực tế, có rất nhiều kiểu thiền (thiền chánh niệm, thiền tập trung, thiền mantra…) Nhưng trong bài viết này, mình sẽ chỉ nói về thiền chánh niệm.

Thiền chánh niệm là việc quan sát suy nghĩ của mình một cách không đánh giá. Nhiều người tưởng thiền là không suy nghĩ gì. Nhưng không thể đạt được trạng thái này đâu, suy nghĩ sẽ luôn tìm đến bạn. Khi bạn có thể quan sát nó với trạng thái trung lập nhất, khi bạn có thể tách bản thân ra khỏi drama đang diễn ra trong đầu bạn, đó chính là thiền. Chẳng có suy nghĩ nào là tốt hay xấu cả. Suy nghĩ đến nhanh và đi cũng nhanh, thế nên đánh giá hoặc nhận xét nó là việc tốn thời gian.

Thiền không giúp bạn giải quyết vấn đề. Những khó khăn bạn đang mắc phải (điểm kém, thất nghiệp, không có người yêu…) sau khi thiền thì nó vẫn ở đấy. Nhưng thiền giúp bạn thay đổi mối quan hệ của bạn với tình huống bạn đang đối mặt.

Thay vì mắc kẹt trong mớ cảm xúc và suy nghĩ trong đầu – hiện tượng thường xuyên xảy ra với bệnh lo lắng và trầm cảm, chúng ta nhận ra được chúng chỉ là cảm xúc và suy nghĩ. Theo nghiên cứu của Đại học California tại Los Angeles, khi đặt tên được cảm xúc – ví dụ: Mình đang buồn – bạn đã dịch chuyển hoạt động đau buồn trong não sang một phần khác: phần nhận thức – Mình nhận ra mình đang buồn. Hoạt động này giúp bạn giảm trạng thái trầm cảm, lo lắng, buồn bã.

Từ nay, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, hy vọng các bạn có thể dành vài phút nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở. Khi đầu óc minh mẫn và sáng suốt hơn, bạn sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề. Hoặc đơn giản, bạn sẽ nhận ra mình chẳng có vấn đề nào cả.

Theo Spiderum

Leave a Reply