
Có lẽ nếu bạn là Du học sinh, chắc chắn ít nhiều bạn cũng đã từng 1 lần trải qua cái Tết xa gia đình. Cảm xúc sẽ mỗi người một khác, nhưng nỗi buồn và sự cô đơn chắc chắn sẽ làm bạn muốn gắn bó và thêm yêu gia đình mình hơn nữa. Mình cũng đã từng 3 lần đón Tết xa nhà, trải qua 3 cái Tết hoàn toàn khác nhau. Vì đối với mình, Du học cũng là cách mình thử thách chính mình vào một sự cô đơn vô định, và chắc chắn nó sẽ cực kỳ thú vị. Dịp này Tết sắp đến, nhìn cành đào cành quất khắp phố mà chợt nhớ lại những kỷ niệm đấy. Buồn buồn, vui vui.
_________________________
TẾT XA NHÀ
Khi tiếng chuông đang rung âm vang lên thời khắc nửa đêm
Có gia đình nọ vội vàng bên chiếc bánh chưng ngày tết
Có em bé nhỏ trùm chăn đang chờ đến giờ mẹ đến
Có que diêm đỏ đợi chờ phép màu kỳ diệu hiện lên
Còn tôi đã trở về nhà sum vầy bên ông bà
Và đã hiểu được cái tết của những người từng đi xa
Tiếng pháo hoa đêm nay thật hay đến kỳ lạ
Đã giúp tôi quên đi những chuyện buồn của những ngày hôm qua
Vậy là cái Tết xa nhà thứ 3 của mình đã qua từ năm 2016, vào năm 2014 đó là cái Tết xa nhà đầu tiên của mình ở UK. Blog này mình viết ra để dành tặng cho những ai đang ăn Tết xa nhà, vì mình cũng đã từng trải qua cảm giác đó. Giờ mình muốn chia sẻ chính xác những gì mình cảm nhận 3 năm trước đây, cái năm lần đầu tiên mình đến UK.
1. 31/1/2014, cái Tết xa nhà đầu tiên của tôi:
Tết xa nhà đầu tiên của mình là cái lạnh của gió, của mưa phùn ở đất UK. Là xốn xang chuẩn bị cùng bạn bè cùng nhà người Việt Nam. Cả lũ quây quần trong bếp, đứa thì làm nem, đứa thì làm canh măng, chỉ mong một cái Tết đượm đầy. 1h chiều, cả lũ chúi mắt vào cái iPad xem “Gặp nhau cuối năm” để không bị mất không khí Tết. Ở Bristol, người Việt Nam đông nên có thể làm cùng nhau một cái Tết Show hoành tráng cho các bạn Tây xem, tự làm hoa Đào giả gắn lên cây để trông cho có không khí và các màn ca múa hát kịch nhộn nhịp làm tất cả những sinh viên năm đầu xa nhà như chúng mình bớt cô đơn hơn. Thật sự mình cảm thấy rất may mắn khi ở trong một cái nhà 8 người nhưng chưa bao giờ hết tiếng cười trong những ngày Tết. Nhớ cái hôm sáng 30 cả lũ còn ngáp ngủ như kiểu chưa có chuyện gì xảy ra, thì đùng một cái bày hết trò nấu cái này nấu cái nọ rồi kéo nhau ra chợ. Mỗi đứa một nhiệm vụ tay xách nách mang về nhà. Rồi đêm hôm đấy mới là cái lúc buồn cười nhất, sẵn trong nhà có bó hương mình mang từ Việt Nam sang, thế là cả lũ làm mâm ngũ quả cho ông già nhất trong nhà mặc áo dài truyền thống để lễ. Thề là hôm đấy buồn cười không thể nào thở nổi về cái việc nam mô nhưng mà vì tính chất “trang nghiêm” nên không ai dám cười to.

Mâm ngũ quả cũng đủ các loại món nghiêm chỉnh, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, 3 chén rượu ngọt và tiền Việt Nam xịn đét :)) Ôi thề nhắc lại đến giờ vẫn không thể nào nhịn nổi cười :))). Nhưng mà lặp lại cái tục lệ cúng Giao thừa cũng giúp cả nhà ở UK đỡ buồn hơn trong dịp này. Có điều này các bạn sẽ nhận ra là: “Các bạn không được ăn Tết ở nhà không phải vì quá nhớ gia đình, mà các bạn sẽ nhớ những việc mình phải làm trong ngày trước Tết và sau Tết, đó là dọn nhà, sắp mâm ngũ quả, đi mua cành đào cây quất, v.v”. Mình tin chắc nếu các bạn nghĩ kĩ thì sẽ có suy nghĩ giống mình, điều đó sẽ làm các bạn đỡ buồn hơn rất nhiều khi đến Tết. Không những thế các bạn còn có thể hoàn toàn tự tin bật bài “Xuân này con không về” mà cười nói vui vẻ với mọi người. Tin mình đi 🙂
Và bữa tối hôm ấy ngon hơn bao giờ hết với nem, với canh măng, bánh chưng ngon lành và bạn bè xung quanh. Đối với mình, sau quãng thời gian đi du học thì đây là cái Tết vui nhất về mặt tình thân khi mọi người vui vẻ hơn bao giờ hết và đã cùng nhau đón một cái Tết ấm no hạnh phúc 😛
Mùng 1 Tết, bố mẹ có gọi Skype để cho mình nhìn mọi người ăn tối ngày mùng 1 ở nhà mình. Cái cảm giác đấy các bạn có biết nó thốn đến mức nào không khi mọi người cười đùa ở nhà còn mình đang ngồi chết dí ở phương trời Tây? Cảm giác lúc đấy là cô đơn lại tràn về, cho đến khi con bạn thân gõ cửa: “Làm đồ ăn mùng 1 Tết không?”. Thế rồi chuyện buồn cứ thế lại tiêu tan.

Kết thúc quãng thời gian học cử nhân, mình đã có một bước tiến khá quan trọng thay đổi cả cách sống và lối suy nghĩ của mình sau này: Bristol hay London. Khi mình hoàn toàn thích thú với những việc đã trải qua ở Bristol thì mình đã chọn đi sang một hướng khác để chuyển lên London sống. Ở London, mọi thứ thay đổi chóng vánh đến mức mình không nhận ra chính mình nữa. Mình bắt đầu ít nói đi, biệt lập hơn và không còn cái mác “người tình quốc dân” quen thuộc ở hồi Việt Nam. Hồi ấy, những ngày tháng đầu tiên ở London khó khăn, đến mức mà chính mình cũng không muốn gặp gỡ người mới và cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở một mình. Điều đó dẫn đến cái Tết thứ 2 mà mình chọn: Tết của cô đơn.
2. 19/2/2015, cái Tết cô đơn:
Không phải cái Tết cô đơn là không thú vị, đây là cái Tết mà mình sẽ nhớ nhất cho đến hết đời vì nếu mọi người check Facebook mình sẽ chẳng thấy mình post gì vào ngày 19/2/2015 cả 🙂 Đơn giản là mình chỉ muốn ngồi đấy, ngắm cảnh chiều Big Ben, đến Chinatown ngắm phiên chợ Tết và nhìn mọi người hối hả chạy xung quanh mình vì đây là một ngày bình thường của họ. Hãy tưởng tượng một cái Tết chỉ vài ba câu chúc cho bố mẹ, người thân, còn lại tuyệt nhiên không nói chuyện với ai và không tổ chức bất cứ một cái gì để ăn mừng thì mọi người sẽ hiểu cảm giác của mình :”> Cơ mà thực sự mà nói, mình cảm thấy rất thoải mái vào cái Tết ấy, tự do đi loanh quanh trong London ngắm mọi người nhảy múa cạnh con lân ở Chinatown hay nhộn nhịp người mua bán bánh chưng Tết ở Deptford. Lang thang trong khu chợ châu Á rồi qườ quạng, bỗng dưng lại nhớ nhà, vật dụng từ Christmas vẫn còn vì thực sự không dám mua cây Đào cây Mai nào cả vì quá đắt 🙁 Còn một đống bao lì xì giữ trong hộc tủ từ năm ngoái chưa dùng đến, dán đầy lên cửa sổ rồi mong muốn mình được bé lại. Nhớ 2 ngày trước khi Tết là ngập ngụa trong những bài luận văn còn dang dở, rồi nhai Singum trong miệng chứ chẳng phải là cắn hạt hướng dương hay hạt dẻ cười. Tự nhiên thấy thiếu bánh chưng, vị nem. Là ngồi ngắm sao đêm ở London Eye chứ không phải đếm từng giây từng phút rồi xem pháo bông cùng gia đình ở Hàng Ngang. Rồi đọc lại những lá thư từ Việt Nam sang rồi ôm nó ngủ cùng mình. Là vội vã đi học buổi sáng sợ muộn học chứ không phải đi chúc Tết nhà người khác.
Nhớ lại cái lúc đêm hôm ấy, đi ngang qua Jubilee Bridge bỗng dưng có người ăn xin, mình vội vàng rút túi 1 đồng để đưa ông ấy và rồi ông ấy lại ôm người trong cái rét để đi ăn xin. Không biết giờ này những người vô gia cư ở Việt Nam như thế nào, có cái Tết ấm no không? Tết cô đơn là sự tôi luyện cho sự mỏng manh của tấm lòng :). Nghĩ vậy nên mùng 1 sáng đã đi đến Chùa ở gần Piccadilly Circus cầu an, mong một năm mới an lành.
Có thử sự cô đơn mới biết mình mạnh mẽ lên biết nhường nào, để rồi khi tự đứng dậy mình không phải sợ bất cứ một điều gì nữa :D.
Cái Tết thứ 2 đã trôi qua mà không có một chút không khí nào trong mình, để mình cảm thấy trân trọng gia đình, bạn bè ở Việt Nam hơn, để luôn tự nhủ rằng dù có đi đâu cũng cần một cái Tết đoàn viên. Điều này làm mình có một quyết định cuối cùng trong quãng thời gian ở UK: Đón một cái Tết thứ 3 xa nhà, hay trở về Việt Nam?
3. 8/2/2016, cái Tết xa nhà cuối cùng khi còn là Du học sinh:
Đó là lần mình phải đứng trước câu hỏi của bố mẹ: “Con muốn về ăn Tết năm nay không?”, và mình đã từ chối vì mình còn một kiểu Tết nữa mà chưa được làm, và mình sẽ áy náy suốt đời nếu mình không làm: Ăn Tết cùng bạn bè Quốc tế.
VA: “Alo chị Mỳ à, chị ơi giúp em làm nem và phở cuốn với, em muốn làm để ăn Tết với các bạn cùng chỗ làm”
Mỳ: “Nhiều không em?”
VA: “Chắc tầm 20 người ạ”
Mỳ: “Nhiều thế, ok qua đây chị em mình làm”
Thế là mình và chị Mỳ hì hục ngồi làm phở cuốn và nem, mình còn mua thêm bánh cuốn cho chắc vì sợ các bạn bị đói. À quên mình không nói, các bạn ý là các bạn cùng chỗ làm việc của mình tại một quán Sushi ăn nhanh tên là itsu. Quán nằm ở vị trí đẹp nhất trong lòng mình khi nhìn thẳng ra Tower Bridge và The Shard. Ở đây, mình đã có khoảng thời gian đi làm thoải mái và tuyệt vời nhất khi không phải suy nghĩ bất cứ vấn đề gì ngoài việc: Cuối tuần ăn gì, đi Châu Âu đi đâu được nhỉ, đói quá nên order đồ ăn đêm về không ta?. itsu vẫn luôn luôn là nơi mình cảm thấy xứng đáng để làm nhất trong các cửa hàng ăn nhanh ở UK. Tại đây, mình đã có một gia đình mà mình là đứa Việt Nam duy nhất phá phách cùng các bạn ở khu vực châu Âu hết như Bồ, Ý, Lithuania, Nga, etc. 🙂 Và mình muốn dành tặng mọi tình cảm cho họ trong cái Tết cuối cùng xa quê hương. Và thật vui khi họ có mặt đầy đủ và cực kỳ thích món ăn của Việt Nam mình. Có lẽ cả đời mình cũng không quên được khi mình ngồi dạy các bạn cuốn cái bánh phở như thế nào, ăn nem ra sao, dùng đũa sao cho chuyên nghiệp rồi cả lũ cười hô hố như dở hơi và đi uống rượu ở một cái pub gần đấy.
Cái Tết ăn cùng các bạn ý làm mình thêm tự hào hơn về phong tục của người Việt Nam, được tự hào nói rằng: Những món ăn đấy chỉ có ở Việt Nam mới có và làm mới ngon, phong tục Việt Nam làm Tết như thế này thế nọ, 30 Tết mình chuẩn bị gì, v.v. và mọi người tròn mắt lắng nghe mình nói, thỉnh thoảng lại “Oh really” làm mình cười mãi không thôi. Mình nghĩ rằng, mỗi Du học sinh là đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam mang phong tục và văn hóa Việt Nam lan tỏa trên khắp toàn thế giới. Để thế giới biết, không chỉ có Trung Quốc mới có Tết mà cả Việt Nam nữa! Và mình tự hào khi có thể gọi chính mình là: “Công dân toàn cầu”.
_______________________________________
3 cái Tết, 3 cách đón khác nhau và 3 cảm xúc khác nhau. Nó làm mình đủ yêu, đủ nhớ và đủ thèm muốn cái Tết của Việt Nam như thế nào. Để mình được nghe “Xuân này con không về” mà lòng không buồn thiu, để không phải ngồi thẫn thờ ở Big Ben ngắm hoàng hôn xuống hay đi dạo một mình ở những nơi xa lạ. Để mình luôn tin rằng: Tết trong tâm hồn là cái Tết đẹp nhất mà mỗi người nên có và xứng đáng được có 🙂
Nếu có cơ hội, hãy thử ăn Tết một mình, trải nghiệm sự cô đơn để trân trọng gia đình mình hơn, trân trọng chính mình và trân trọng Việt Nam.
Tết năm nay có lẽ sẽ là cái Tết ở cùng gia đình tuyệt vời nhất của mình, chắc chắn! 🙂
