Piano Man – Bản nhạc buồn hay cuộc sống buồn?

Có một thứ hàng tuần trong gần 4 năm liền liên tục diễn ra trong cuộc sống mình, đó là cứ tối thứ 7 mình sẽ bật bài Piano Man của Billy Joel nghe dù đang làm bất cứ việc gì. Một phần mình thích bài hát này, một phần nhiều chuyện buồn xảy ra vào thứ 7 trong cuộc sống mình nên mình phải nghe. Để mình kể cho nghe nhé 😉

————————————————————

PIANO MAN, BÀI HÁT BUỒN HAY CUỘC SỐNG BUỒN?

And the waitress is practicing politics
As the businessmen slowly get stoned
Yes they’re sharing a drink they call “Loneliness”
But it’s better than drinking alone

1. Cô bé lang thang và chàng trai rầu rĩ:

Bristol lạnh cóng trong một ngày thứ 7 của năm 2013, tôi đang có một ngày tồi tệ và mọi thứ dường như không có đích đến. Có lẽ cái cuộc sống du học đáng yêu đang phụt tắt trong chốc lát thay thế vào đó là màn đêm lạnh ở Habourside. Một ngày dài mệt mỏi với 24 tiếng thức trắng và double shot JD đã làm tôi không đủ tỉnh táo nên chỉ biết … cười. Cũng giống như khi bạn đi vào một căn phòng tối om và không biết trong căn phòng đấy trông như thế nào, bạn nhìn bốn phương tám hướng chỉ để tìm cho mình 1 công tắc, 1 ánh đèn để xua màn đêm đi. Cũng có thể bạn sẽ hoàn toàn yên tâm trong màn đêm đó, bạn sẽ nằm xuống và không cần biết đến ngày mai, bạn chỉ muốn ngủ.

Thế nhưng trong cái lúc vô định thẫn thờ ấy, bỗng dưng có một cô gái đến ngồi cạnh tôi, cô ấy tên là Amy (tên đã được đổi) và bất giác hỏi ngồi cùng. Theo bản năng tôi sẽ đứng lên và nhường ghế cho cô ấy để đi tiếp. Bỗng dưng cô ấy mở lời:

Amy: “Mày có chuyện buồn gì à, tao ngồi ở phía kia và thấy mày ngồi ở đây được gần 30′ rồi”

Anh: “Không có gì đâu, mày đừng lo”

Amy: “Cứ nói đi, tao đang hơi say nên cũng sẽ không nhớ đâu, nhưng tao sẽ ch0 mày lời khuyên được”

Cứ vậy tôi kể hết mọi chuyện, cứ như có một cục nam châm hút toàn bộ lời nói trong suy nghĩ của tôi vậy. Đến cái hồi kết thúc, tôi mới hỏi.

Anh: “Mày hiểu tao chứ Amy?”

Amy: “Tao đang khá say, và cũng không hiểu lắm đầu đuôi vì mày nói bé quá (thời điểm 2013 tiếng Anh của mình khá tồi), nhưng tao có cái này có thể giúp mày thoải mái”

Vừa nói Amy giơ ra một lon Buds cho tôi.

Amy: “Tao và mày có thể uống chung đấy, tao cũng mới đi làm về nên không có việc gì làm, để tao kể chuyện của tao cho”

Thế là cô ấy nói tầm 10′ đồng hồ về việc quán ăn chỗ cô ấy làm ra sao, chủ xấu trai như thế nào hay là cuộc sống có khác gì mình không. Lảm nhảm 1 lúc cũng đến 10h đêm.

Amy: “À, thứ 7 tao hay nghe bài này, mày nghe không?”

Anh: “Chắc chắn rồi, cho tao nghe xem nào.”

Cô ấy bật bài Piano Man lên cho tôi, vừa hát vừa cười. Đó cũng là lí do tôi muốn tập Piano.

Amy: “Thôi tao đi nhé, cũng muộn rồi, hi vọng mày ổn”

Anh: “Cảm ơn mày, đi cẩn thận”

Cho đến giờ, hình ảnh cô ấy chạy đi bắt chuyến bus cuối cùng vẫn để lại trong tôi một cảm xúc khó thể giải thích. Cái cảm xúc việc một người bạn vừa đi qua đời mình và không bao giờ gặp lại. Cảm xúc về việc có người cùng chia sẻ với mình chuyện buồn mà không hề phàn nàn bất cứ điều gì (vì cả 2 đều khá say).

Nhắm mắt, ngẩng mặt lên trời, hít hà một cái, và Thứ 7 cũng qua đi.

—————–

He says, “Bill, I believe this is killing me.”
As a smile ran away from his face
“Well, I’m sure that I could be a movie star
If I could get out of this place.”

2. Câu nhân viên chăm chỉ và ca làm đêm dài.

Đó là vào một ngày thứ 7 cuối năm 2014 tại McDonalds’ Liverpool Street Station. Ca làm xuyên đêm từ 10h đêm đến 7h sáng đã làm tôi thực sự suy sụp vì quá mệt mỏi. Phần vì tôi đã không còn đường lùi vì không còn một xu dính túi, phần vì tôi cũng phải sống và sinh tồn ở London để khi về còn có cái để mà nhớ. Nhiều động lực cũng không thể nào bật lại được với sự mệt mỏi sau một ngày vừa đi học xong đã phải đi làm đến sáng. Tôi nghĩ rằng cứ như vậy tôi sẽ chết vì mệt mất. Vừa thay đồ để chuẩn bị về nhà, tôi vừa ngáp ngủ vì không thể chịu nổi. Vừa định để đi về thì Jon – một đồng nghiệp trong quán mới 18 tuổi (lúc đó tôi 22) đi vào mặt mũi vẫn tươi tỉnh sau ca làm việc đêm. Tôi mới bất ngờ hỏi:

Anh: “Về luôn hả Jon, mệt không em?”

Jon: “Em không mệt lắm, anh mệt à?”

Anh: “Anh chết mất đây, sao em không mệt thế, em thích công việc này lắm à?”

Jon: “Cũng không thể nào nói là thích, nhưng cũng là vì trách nhiệm của bản thân vì đã 18 tuổi rồi, em không muốn phụ thuộc quá nhiều vào tài chính của gia đình nữa. Bữa nay em đi làm bố mẹ cũng nói lắm vì hay làm đêm, nhưng biết sao được. Để đủ tiền đi học sáng thì em phải cố gắng buổi tối thôi”

Anh: “Em đang học gì thế?”

Jon: “Em học về chính trị, em nghĩ rằng tương lai sẽ rất sáng sủa nếu em có quan điểm đúng đắn về cuộc sống. Để em kể cho anh nghe nhé, đi ăn sáng không anh?”

Anh: “OK”

Thế là chúng tôi vừa đi mua cái bánh ở Pret, tôi lại vừa chăm chú nghe Jon kể về câu chuyện của em. Em là một đứa cả trong gia đình không mấy giàu có, vì học hành không nghiêm chỉnh nên bị bố mẹ bắt độc lập sớm và luôn phải tự thân vận động. Năm 2012, những tưởng em sẽ không thể nào chịu nổi cảnh này nữa thì em gặp một đứa cùng lớp, bạn ấy đã truyền tinh thần cho em ra sao, sốc lại tinh thần cho em thế nào để em luôn phấn đấu về phía trước. Tôi nghe suốt 30′ không hề nghỉ tai mà luôn chăm chú nghe em ấy nói. Bỗng chợt một lúc tôi cắt ngang:

Anh: “Tại sao em lại chọn McDonalds’, em có thể làm ở những quán có thu nhập tốt hơn, hay thậm chí một công việc bàn giấy mà?”

Jon: “Cuộc sống của em đang rất ổn định và em hài lòng về nó. Có thể 18 tuổi em không phải là một đứa mạnh mẽ, nhưng làm việc ở đây sẽ truyền thêm cho em ý chí rằng em sẽ không được bỏ cuộc dù bất cứ giá nào”

Anh: “Em có lời khuyên nào cho anh không?”

Jon: “Cuộc sống buồn lắm anh, nhưng đừng để thua nó, vì khi đó anh đang thua chính mình. Cứ tiếp tục cố gắng thôi anh.”

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cậu bé ấy. 18 tuổi, kém tôi 4 năm tuổi đời mà có lẽ suy nghĩ còn già hơn tôi nhiều. Mỗi lần tôi mệt mỏi đều nghĩ về cậu bé đó làm động lực để cố gắng. Có lẽ bây giờ Jon đã 23 tuổi và đang làm trong một cơ quan nào đó chứ không phải là một nhân viên ở McDonalds’ nữa. Nhưng với tôi, nhắc đến McDonalds’, tôi sẽ nhớ về cậu bé đó.

Thank you, bro 🙂

——————

It’s a pretty good crowd for a Saturday
And the manager gives me a smile
‘Cause he knows that it’s me they’ve been coming to see
To forget about life for a while

3. Cậu nhân viên bán Sushi và tiếng đàn của ông lão:

Đó là một đêm cận Giáng Sinh năm 2016, khi tôi sắp phải chia tay UK để về với Việt Nam. Hôm đó tôi nhớ rằng trời rất lạnh và tôi chỉ mặc một cái áo khoác mỏng, người run run vì cóng. Định bụng đi về sớm để ngủ thì tôi lại đổi ý tạt qua chợ Giáng sinh ở ngay More London chỗ tôi làm. Trong bụng đói meo thì mới mua 1 cái Hotdog để chén – bữa tối thật tuyệt vời :D. Vừa đi loanh quanh thì thấy một ông lão đang ngồi một mình cạnh cây đàn Violon của ông ấy. Lúc ấy, tôi mới định bụng đi ra chỗ đó để  nghe ông ấy đàn. Ông lão mặc một bộ măng tô dài và mũ phớt trên đầu, mái tóc đã bạc và chậm dãi già dặn. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn bất ngờ khi ông ấy linh hoạt một cách đáng nể khi đặt tay lên và kéo cây vĩ cầm. Một bài hát Giáng sinh, một bài hát về tình yêu và ông lại ngồi xuống. Tôi tính đến gần để cho ông lão – tên James – tiền thì ông cười nói với tôi.

James: “Chúc mừng Giáng sinh, cảm ơn cháu nhưng ta không kéo đàn để kiếm tiền”

Anh: “Ủa vậy sao ông lại ngồi một mình ở đây kéo đàn thế ạ?”

James: “Giáng sinh năm nay cũng kỉ niệm 3 năm ngày con trai ta bị tai nạn giao thông và không qua khỏi”

Anh: “Cháu rất tiếc vì điều này, ông có muốn chia sẻ với cháu chuyện này không ạ?”

James: “Ta rất sẵn lòng”.

Lúc ấy ông James bắt đầu kể câu chuyện về cuộc đời mình. Ông là một người lính nghỉ hưu của quân đội UK, ông đã già và có một người vợ cùng 2 cậu con trai. Tuy nhiên, không may mắn rằng cậu con trai cả đã không qua khỏi sau một vụ đâm xe ngay gần London khi anh đang về nhà ăn Giáng sinh với gia đình. Điều đó làm ông và gia đình suy sụp rất nhiều, một thời gian dài ông nói rằng cả nhà ăn uống trong im lặng, không còn những chuyện vui mà cả căn nhà bao trùm bằng không khí đượm buồn. Ông kể rằng, cái đàn Violin này là ông mua tặng con trai từ ngày còn bé để kéo chung với ông. Nhưng giờ khi dàn hợp xướng mất đi một người, ông cũng không tìm được một cặp ăn ý nào khác. Vì thế cứ mỗi dịp Giáng sinh, ông đều ra More London để kéo đàn và tưởng tượng rằng con trai ông đang cùng hòa điệu nhạc với ông.

Mắt tôi nhòe đi khi nghe câu chuyện của ông, ông tiếp lời.

James: “Con người ai cũng sẽ mất, chỉ là sớm hay muộn thôi. Vì thế cần phải sống cho đáng và đừng tiếc những ngày tuổi trẻ cho những thứ mình còn sợ hãi.”

Anh: “Cháu cảm ơn ông, cháu cũng mong rằng ông sẽ luôn vui vẻ và gia đình ấm cúng lại vì cháu tin anh ấy vẫn đang dõi theo với gia đình ạ”

James: ” Con trai ta là một người mạnh mẽ và tình cảm. Ta tin nó sẽ như thế. Cảm ơn cháu”

Ông kể một chút chuyện cười mà tôi đã không nhịn nổi cười với ông. Sau đó ông lại kéo bản Auld Lang Syne yêu thích của tôi, bài hát nói về một sự nhắc nhở không bao giờ được lãng quên quá khứ và những người đã đến trong cuộc đời ta. Tất cả kỷ niệm dù cay đắng hay ngọt ngào, tất cả những người đã đến mang theo hạnh phúc hay đau khổ đều góp phần tạo nên con người ta ở hiện tại.

Vội vàng chạy đi mua một cái Hotdog khác cho ông, ôm ông và từ biệt. Có lẽ đó là cái cảm xúc buồn nhất mà tôi từng có khi đang sống ở UK, và cho đến tận bây giờ.

————————–

Sing us a song you’re the piano man
Sing us a song tonight
Well we’re all in the mood for a melody
And you’ve got us feeling alright

Có lẽ tôi hay lải nhải với bạn rằng tôi yêu London thế nào. Và chắc chắn bạn sẽ đáp lại một câu: “Về lại với hành tinh của mình đi”.

Cũng đúng, có những điều về cuộc sống mà tôi tin chỉ mình tôi hiểu theo một cách nào đấy khác. Và tôi có cảm xúc khác.

Ngủ ngon :)..

Leave a Reply